Tin tức & sự kiện
SÙNG A SỚ - CHÀNG SINH VIÊN “NHỎ” NHƯNG Ý CHÍ LỚN
03 tháng 05, 2021
SÙNG A SỚ - CHÀNG SINH VIÊN “NHỎ” NHƯNG Ý CHÍ LỚN
Sùng A Sớ là sinh viên lớp ĐT2Đ16, khoa Điện, Trường Đại học Công nghiệp Việt Trì. Em sinh ra và lớn lên ở thôn Hồng Lâu, xã Hồng Ca, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái. Gia đình Sớ là hộ nghèo ở xã Hồng Ca (xã đặc biệt khó khăn của huyện Trấn Yên). Sùng A Sớ là con cả trong gia đình, em mồ côi mẹ khi lên 14 tuổi, bố làm nông nghiệp nuôi anh em của Sớ. Hiểu những khó khăn, vất vả của gia đình, ngay từ nhỏ Sùng A Sớ đã có ý thức tự học và chăm chỉ phụ giúp gia đình. Với sự trợ cấp của Đảng, Nhà nước, sự hỗ trợ của Nhà trường, sự động viên của thầy, cô giáo và bạn bè, Sớ có thêm động lực vượt khó, vươn lên trong học tập và là tấm gương điển hình toàn diện trong phong trào học tập, rèn luyện của Trường Đại học Công nghiệp Việt Trì.
Sùng A Sớ có vóc dáng nhỏ bé hơn so với các bạn cùng trang lứa, nhưng trong quá trình học tập em rất chăm, ngoan, chịu khó phát biểu ý kiến xây dựng bài và nhiệt tình tham gia các phong trào của Đoàn thanh niên, Hội sinh viên Trường Đại học Công nghiệp Việt Trì. Sớ tâm sự: “Em có ước mơ trở thành kỹ sư Điện từ khi ngồi trên ghế trường phổ thông và biết đến Khoa Điện của Trường Đại học Công nghiệp Việt Trì là một địa chỉ tốt để thực hiện ước mơ của mình nên em đã quyết định theo học”. Sớ đã vượt qua mọi khó khăn để học tập tốt. Thời gian Sớ học tập và rèn luyện ở Trường Đại học Công nghiệp Việt Trì em luôn là sinh viên khá, giỏi và vinh dự được nhận Giấy khen là sinh viên có thành tích xuất sắc trong công tác Đoàn thanh niên năm 2019, giải thưởng Sao Tháng Giêng năm 2020.
Hình ảnh sinh viên Sùng A Sớ (thứ nhất từ phải sang)
Không chỉ học tập tốt, rèn luyện tốt, Sớ còn hăng say nghiên cứu khoa học, em là chủ nhiệm đề tài khoa học “Thiết kế chế tạo máy phát nhiệt điện công suất nhỏ” – một trong những đề tài được Hội đồng khoa học Nhà trường đánh giá tốt…
Đặc biệt, từ năm thứ 3 đại học, em đi làm thêm kiếm tiền trang trải cuộc sống và sinh hoạt, em đã tự mua được máy tính và hàng tháng không phải xin tiền gia đình. Có thể nói khi trò chuyện với em, chúng tôi rất xúc động và khâm phục nghị lực của cậu học trò “nhỏ bé”.