Tin tức & sự kiện
Khoa Kỹ thuật Phân tích tổ chức seminar đề tài nghiên cứu khoa học năm 2023
20 tháng 10, 2023
Sáng 20/10/2023, khoa Kỹ thuật phân tích đã tổ chức buổi seminar các đề tài nghiên cứu khoa học năm 2023. Tham dự buổi seminar có đầy đủ các đồng chí giảng viên trong khoa.
Mở đầu buổi seminar, TS. Nguyễn Thị Lan Anh báo cáo nội dung đề tài: “Nghiên cứu chế tạo vật liệu tổ hợp khung kim loại – hữu cơ trên nền Graphene định hướng ứng dụng xử lý nước thải công nghiệp chứa chất màu hữu cơ”. Trong đó, tác giả nhấn mạnh những kết quả đạt được của đề tài: Vật liệu MOF-Fe/GNPs được tổ hợp thành công bằng sóng siêu âm và kỹ thuật thuỷ nhiệt, trong đó các tinh thể MOF-Fe có kích thước khoảng 200 ÷ 400 nm đan xen với các tấm nanographene đơn lớp bị bẻ gãy dưới tác động của sóng siêu âm khá đồng đều. Đặc trưng bề mặt của vật liệu tổ hợp được đánh giá thông qua quá trình hấp phụ khí N2 đẳng nhiệt cho kết quả diện tích bề mặt SBET = 441,001 m²/g, thể tích lỗ xốp Vpore = 0,267 cm3/g và đường kính lỗ xốp dpore = 2,423 nm. Vật liệu tổ hợp MOF-Fe/GNPs xử lý được MB theo cả hai cơ chế là hấp phụ và xúc tác quang, đặc biệt khi hai cơ chế này được diễn ra đồng thời. Sau 4 giờ xử lý dung dịch MB (10 mg/l ban đầu), hiệu quả đạt 83,53% (theo cơ chế hấp phụ) và 98,42% (theo cơ chế hấp phụ-xúc tác quang đồng thời). Vật liệu có thể ứng dụng xử lý nước thải công nghiệp chứa chất màu hữu cơ trong thực tế.
Tiếp theo, TS. Bùi Thị Phương Thảo thay mặt nhóm thực hiện đề tài “ Nghiên cứu biến tính điện cực cảm biến sinh học điện hóa trên cơ sở vật liệu tổ hợp CNTs/Graphene ứng dụng xác định Cholesterol tổng số” báo cáo nội dung. Tác giả nhấn mạnh những nội dung sau của đề tài: Tách và chuyển thành công màng graphene sang điện cực. Chức năng hóa CNTs và phủ CNTs lên điện cực có màng graphene. Đã cố định thành công enzyme cholesterol oxidase và cholesterol esterase trên điện cực CNTs/Gr và xác định được đáp ứng dòng ra của cảm biến với nồng độ cơ chất khác nhau từ 2 – 10mM. Khảo sát bề mặt màng Gr/Cu và các sợi CNTs: Ảnh SEM, TEM. Đã nghiên cứu thử nghiệm xác định hàm lượng cholesterol trong dung dịch bằng cảm biến điện hóa trên cơ sở màng Gr và CNTs/Gr từ đó xây dựng đường chuẩn với hệ số tương quan là 0,99827, giới hạn phát hiện LOD là 0,6459(mM) và giới hạn định lượng là 2,1509(mM), hệ số biến thiên 1,252%. Nghiên cứu ảnh hưởng của pH và acid L - ascorbic đến cholesterol. Ứng dụng trong phân tích mẫu giả định đạt được độ thu hồi trên 95%.
Buổi Seminar diễn ra với không khí vui vẻ, cởi mở. Các đồng chí giảng viên tham dự đã có những ý kiến đóng góp sâu sắc, nhiều vấn đề được đưa ra trao đổi, góp ý thẳng thắn để làm sáng tỏ, nhiều nội dung được đề cập nghiên cứu bổ sung để hoàn thiện đề tài. Buổi seminar thực sự có ý nghĩa đối với giảng viên của đơn vị, qua buổi seminar các đồng chí đã trao đổi về kinh nghiệm cũng như phương pháp giảng dạy để nâng cao hơn nữa năng lực của bản thân.